Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016

Nghiên cứu về Tứ linh ở Việt Nam (P2) - Lân

Nghiên cứu Tứ Linh: Lân, Long, Qui, Phụng trong Mỹ Thuật Việt Nam (Phần 2)


Đã có dịp xem xét về con Rồng qua phần 1, bây giờ chúng ta lần lượt đi tìm ý nghĩa cùng những dáng vẻ của ba linh vật còn lại. Trong Phần 2 này, Ngôi nhà Mỹ thuật sẽ chia sẻ một số nghiên cứu về Linh vật đứng thứ hai trong Tứ Linh:

KỲ LÂN


Lân là con vật thần thoại, sản phẩm thuộc trí tưởng tượng nguyên sơ của con người. Lân cũng gọi là Ly hay thường gọi nhất là Kỳ Lân, nhưng theo định nghĩa của tự điển thì Kỳ là để chỉ con Lân đực và Lân là con Lân cái (Đại Nam Quốc âm tự vị, Tome I, trang 510, Saigon, 1895).
tuong ky lan ngoi nha my thuat
Một bức tượng kỳ lân tại Ngôi nhà Mỹ thuật

Hình tượng và ý nghĩa

Léopold Cadière dẫn lại từ Tự điển của J.F.M Génibrel (Dictionnaire Vietnamien – Francais, Saigon, 1988) gọi nó là con Nhân sư (Sphinx), chẳng hiểu tại sao còn giải thích nghĩa thêm vào là thần điểu (Oiseau fabuleux) (l).

Thường thì nó được mô tả gần như một con sư tử, là loài thú có sừng trước trán, đuôi như đuôi bò, mình nai, vảy cá. Theo với phong tục xưa nay, Kỳ lân là hình ảnh tượng trưng của lòng nhân và đức từ bi, của thời thái bình hoan lạc, vẫn được gọi là nhân thú, không bao giờ hại người và vật sống, không dẫm lên cỏ non tươi, không hại đến một sinh vật bé nhỏ nào dù chỉ là một con sâu, cái kiến.

Cũng như loài Phượng, rất hiếm khi Kỳ lân xuất hiện. Chỉ những bậc vương giả minh quân và thánh nhân đức độ mới xứng đáng được nhìn thấy nó, khi ấy nó mình như hươu, đuôi bò, đầu chó sói, móng ngựa và có sừng ngắn bằng thịt.

Với linh giác đặc biệt, Kỳ lân rất tinh khôn, người ta đã từng đào hố chăng bẫy mà chẳng thể bắt được, tuy thế đã có sách Trung Hoa ghi chép việc Lân xuất hiện rồi bị bắt một cách rất huyền hoặc như vầy: Trước khi sinh Khổng Tử, mẹ ngài là bà Nhan Thị thấy xuất hiện một con Kỳ lân nhả tờ ngọc thư có chữ đề Thủy tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương (2). Bà Nhan Thị thấy vậy bèn bắt lấy, buộc dải lụa vào sừng, nhưng chỉ mấy ngày sau Kỳ lân bỗng nhiên biến mất. Năm Khống Tử 71 tuổi, trước ngày mất hai năm lại có Kỳ lân hiện ra nhưng là con lân què một chân do một người đi hái củi bắt được, mọi người cho là điềm bất thường, đem thả ra ngoài đồng. Ông Nhiễm Hữu, môn đệ của Khổng Tú đi xem về nói với Khổng Tử rằng “con đó thân giống con nai mà sừng bằng thịt há là loại yêu quái trên trời xuống chăng?” Khổng Tử đi xem trông thấy khóc ròng rất thương cảm mà nói: “Kỳ lân ra làm gì thế? Đạo ta đã đến lúc cùng rồi vậy.” Rồi hát rằng:

Đời Đường đời Ngu Lân Phượng ra
Nay không phải thời nên tránh xa.
Lân ôi! Lân ôi! Đau lòng ta!
Duy có Lân mới biết Thánh nhân!
Duy có Thánh nhân mới biết Lân! (3)

Khổng Tử viết kinh Xuân Thu. chép đến chuyện “bắt được con Kỳ lân ngoài đồng” thì gác bút không viết nữa nên kinh Xuân Thu thường cũng được gọi là Lân Kinh hay Lân Sư.

Tất nhiên đây chỉ là việc hoang đường huyễn hoặc nhưng xưa nay đối với những bậc vĩ nhân xuất chúng, chuyện thêu dệt ấy chỉ là việc bình thường; cái quan trọng đối với chúng ta là qua đấy mà hiểu cùng cảm thêm được chiều sâu tâm tưởng và cái đẹp của nghệ thuật do sự kiện đưa lại mà thôi.

tuong ky lan Ngoi nha My thuat
Tượng Kỳ Lân trang trí do Ngôi nhà Mỹ thuật tạo hình

Cũng nên biết thêm một chút nữa, do ý nghĩa tôn quý của hình tượng Kỳ lân, dưới các triều đại phong kiến trước đây, thành ngữ vết chân lân, thường chỉ đến dòng dõi vua chúa, và để nói đến các hoàng tử, vương tôn thì gọi là Sừng lân, Lân chỉ (chỉ: ngón chân) là tên một thiên trong Kinh thi nói về con cháu vua Văn Vương nhà Chu đều hay tốt, có đức, có tài. Trong vũ khúc Tứ Linh của cung đình nhà Nguyễn, để múa vào những ngày lễ Vạn thọ, Thánh thọ, Tiên thọ. Thiên xuân, ngoài hai con Rồng, hai con Lân, hai con Phượng, hai con Rùa, còn có một con Lân con cùng uyển chuyển hòa hợp trong điệu múa, là do từ ý Lân Mẫu xuất Lân nhi, Lân mẹ sinh ra Lân con hàm nghĩa cha mẹ thông minh sinh ra con cái trí tuệ sáng láng. Con Lân con (Lân tử hay Lân nhi) còn để ám chỉ đến con cái nhà quyền quí, cốt cách hơn người. Đại chúng hóa hơn nữa, nơi các cổ kiệu đám cưới thường có bốn chữ Kỳ lân tại thử là lời cầu chúc tốt lành đại cát cho các cặp tân nhân.

Kỳ Lân tại Việt Nam

Trong nghệ thuật tạo hình truyền thống, Kỳ lân là một mô-típ trang trí khá phổ biến. Mỹ thuật thời Nguyễn hiện nay tương đối vẫn còn toàn vẹn ở Huế là một hiện trường rất tốt để có thể dễ đàng khảo sát hình tượng này.

Ỏ miền Bắc, trên các trụ biểu dẫn vào những di tích kiến trúc cũ, chúng ta vẫn gặp thấy con Kỳ lân án ngữ cùng với rêu phong tuế nguyệt. Thỉnh thoảng, nơi các văn bia đây đó, như trên trán bia Tiến sĩ bằng đá dựng ở Văn miếu Hà Nội năm 1653, có hình hai con Lân chầu mặt trời đang tỏa sáng. Hay trên bia đá chùa Linh Quang ở Hải Phòng (1719), cạnh những con thú dân gian khác như nai, ngựa, mèo. cá, tôm, chuột, con Lân cũng hiện ra trong một dáng vẻ rất sinh động .
Ky lan Viet Nam
Kỳ lân trên bình phong trước một ngôi miếu, mỹ thuật Huế
Thuộc về nền văn hóa và mỹ thuật Huế, có một điều phải để ý là ít khi Cũng con thú ấy mà khi thi gọi là Kỳ lân, khi gọi là Long mã, có lẽ vì hình dáng con Lân vừa giống con Rồng vừa giống con Ngựa chăng?

Thường thì Kỳ lân được tô vẽ hoặc đắp nổi và khảm sành sứ trang trí trên bình phong chắn trước các cung điện, đền đài của vua chúa hoặc trước các chùa chiền miếu mạo. Và dù xuất hiện ở đâu đều cũng rất thuần nhất vì lúc nào cũng mang trên lưng một bộ cổ đồhay một hình bát quái của vua Phục Hi. Nguyên vào thời Phục Hi chưa có chữ viết và sách vở, một hôm vua Phục Hi thấy hiện lên từ dưới sông Hoàng Hà một con Long mã đầu rồng, minh ngựa, đuôi rồng, mà trên lưng có những đường vạch kỳ lạ, mới nhân đấy bắt chước mà vạch ra bát quái. Hình đồ trên lưng con thú ấy gọi là Hà đồ, chính là nguyên ủy các văn tự, văn học và triết học Trung Quốc.

Ky lan Viet Nam
Lư hương có hình Kỳ Lân
Mỹ thuật Huế
Mỹ thuật thời Nguyễn, có chịu ít nhiều ảnh hưởng phong kiến phương Bắc nên dễ hiểu khi chúng ta gặp thấy những con Kỳ lân thường bao giờ cũng mang trên lưng một bộ cổ đồ hay một đồ hình bát quái. Bộ cố đồ ấy chính là chồng sách có dải lụa quấn chung quanh đôi lúc bay phất phới, đặt ngay ngắn trên yên của con Lân, và tùy vào cảm hứng của nghệ sĩ lúc tô vẽ, khắc chạm, muốn làm cho phong phú hơn theo trí tưởng tượng cua mình mà thêm bớt vào một quản bút hay một thanh kiếm, một cái quạt, một ống tiêu rút ra từ mô-típ bát bủu cũng rất quen thuộc đối với các nghệ sĩ cổ truyền.

Kỳ lân xuất hiện chú yếu trên các bình phong nhưng đôi lúc cũng được đục chạm trên bộ sườn nhà như xuyên, trến, cột, kèo, và thỉnh thoảng được đắp nổi cuối đường gờ hai bên mái nhà như một dấu nhấn góp thêm phần vững chắc cho toàn bộ công trình kiến trúc và trang trí (ở vị trí này, thường là Rồng hay Phượng xuất hiện, Lân thì rất hiếm hoi).

Có một điều hơi lạ là trên đầu trụ biểu dựng trước chùa chiền đình miếu thường có con thú trông giống như con sư tử, rất dễ nhận ra ở đầu, đuôi, bộ lông, nhất là những vuốt nhọn chứ không phải móng, vậy mà người Việt ta vẫn gọi là Kỳ lân hay con Nghê. Léopold Cadiêre khi khảo sát về mỹ thuật Huế đã dễ dàng nhận ra điều này, nhưng ông vẫn xếp nó vào loại kỳ lân đúng như cách gọi và lòng tin của người Việt (L’Art à Huế, p.59).

Gần như trên, chúng ta côn gặp một số tượng trang trí nhỏ gọi là Kỳ lân thực ra chính là sư tử, cũng thế với trường hợp con Lân chính là lư hương và trên lưng nó còn có một con lân khác nhỏ hơn nữa dùng để làm nút cầm cho nắp lư. Ngoài những thể dạng trên, từ những họa tiết trang trí hoa trái cách điệu đôi lúc cũng biến chuyển mà thành. Lân như một cành lê, một nhánh cúc, một cành mẫu đơn chuyển hóa thành Lân.

Kỳ lân đã cùng với Rồng và Rùa tập hợp thành một vẻ đẹp tuy có phần thâm nghiêm, nhiều lúc đã gắn bó quá đà với nền nghệ thuật cung đình mà như quên lãng nhân dân, nhưng nói chung, đối với toàn thể dân tộc nó vẫn là một di sản cổ kính quý báu, mãi mãi là kỷ niệm đẹp đẽ, là một phần máu thịt sâu sắc của đất nước vậy.

Ngôi nhà Mỹ thuật,
Sưu tầm từ các nguồn :
Wikipedia & nghethuatxua

0 nhận xét :